Trầm cảm khi mang thai là hội chứng rối loạn tâm lý đáng lo ngại, ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mẹ bầu. Nó biến niềm hạnh phúc được làm mẹ của phụ nữ trở thành thời kỳ đen tối kinh hoàng.
Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa thể quên câu chuyện thương tâm xảy ra cách đây không lâu về thai phụ mang bầu 7 tháng nhảy cầu tự vẫn vì trầm cảm ở Kinh Môn, Hải Dương. Sự việc là hồi chuông cảnh tình cho biết bao phụ nữ mang thai và chuẩn bị mang thai. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong số rất nhiều những câu chuyện thực tế đau lòng bắt nguồn từ hệ quả của hội chứng trầm cảm khi mang thai.
Thống kê cho thấy, cứ 10 mẹ bầu thì lại có 1 người mắc trầm cảm. Dù trầm cảm khi mang thai đang có xu hướng gia tăng, nhưng lại chưa được các mẹ bầu nhận thức đầy đủ. Để điều trị trầm cảm khi mang thai, các bà mẹ tương lai cần trang bị những hiểu biết toàn diện về nguyên nhân, dấu hiệu của hội chứng này. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho chị em phụ nữ cái nhìn đầy đủ về hội chứng trầm cảm khi mang thai.
Nguyên nhân trầm cảm khi mang thai
– Nguyên nhân hàng đầu của trầm cảm khi mang thai đó là do sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể trong thai kỳ, gây ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng, hành vi của bà bầu.
– Tuyến giáp bị rối loạn là tác nhân gây hội chứng trầm cảm khi mang thai ở phụ nữ.
– Trầm cảm khi mang thai cũng có nguyên nhân từ yếu tố di truyền. Nếu bố mẹ, người thân trong gia đình từng mắc chứng trầm cảm, mẹ bầu cũng dễ dàng bị trầm cảm khi mang thai.
– Người mang thai khi tuổi đời còn quá trẻ có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn.
– Đáng chú ý, những người từng bị bạo hành, lạm dụng tình dục, bị bóc lột lao động, bị sang chấn hoặc sốc tâm lý… dễ mắc hội chứng trầm cảm khi mang thai.
– Từng bị sảy thai hoặc bị ám ảnh về nạo phá thai trong quá khứ khiến phụ nữ mang thai dằn vặt, cắn rứt lương tâm, dễ dẫn tới trầm cảm.
– Trầm cảm do quá lo lắng hoặc không hài lòng với tình trạng, đặc điểm của thai nhi và thai kỳ như chiều cao, cân nặng, giới tính, tình trạng ối…
– Áp lực ốm nghén, áp lực tài chính, công việc, mâu thuẫn gia đình, tình cảm tan vỡ, sự ra đi của người thân, mang thai một mình mà không nhận được sự hỗ trợ hay quan tâm đầy đủ, mang thai ngoài ý muốn… dẫn đến trầm cảm ở phụ nữ mang thai.
Tác hại của trầm cảm khi mang thai
– Trầm cảm khi mang thai làm tăng nguy cơ sinh non, đái tháo đường thai kỳ, áp lực máu cao trong phổi thai nhi, trẻ sinh ra dễ bị còi xương suy dinh dưỡng, mắc một số dị tật ở vùng mặt như hở hàm ếch, mắc hội chứng tự kỷ, chậm phát triển…
– Phụ nữ mắc hội chứng trầm cảm khi mang thai sẽ không thể tự chăm sóc tốt cho bản thân.
– Nếu kéo dài tình trạng trầm cảm khi mang thai thì nguy cơ trầm cảm sau khi sinh là rất cao.
– Khi trầm cảm nặng, phụ nữ mang thai sẽ có những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi mất kiểm soát, thậm chí sẽ dẫn đến hành động tự sát, cướp mất sinh mạng của chính mình và thai nhi để giải thoát khỏi bế tắc.
Dấu hiệu, triệu chứng trầm cảm khi mang thai
Các triệu chứng trầm cảm khi mang thai thường khó nhận biết vì chúng hầu hết giống với những biểu hiện thai nghén trong thai kỳ. Trong khi đó, đa số phụ nữ mang thai thường che đậy cảm xúc của mình hoặc bản thân không biết mình đang mắc trầm cảm khi mang thai. Dưới đây là một số dấu hiệu, triệu chứng cơ bản của hội chứng trầm cảm khi mang thai:
– Nhịp tim tăng, dễ choáng ngất, khó thở.
– Kích thích tăng động hoặc trở nên ì ạch, ù lì, chậm chạp.
– Thiếu năng lượng và sức sống. Mệt mỏi kéo dài không dứt, kèm theo đó là đau bụng, đau đầu.
– Mất kiểm soát, mất ổn định về mặt cảm xúc. Dễ rơi nước mắt và khóc không rõ nguyên do.
– Suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung.
– Hay đắn đo, do dự khi phải đưa ra quyết định.
– Hay lo lắng, bồn chồn, sợ hãi, suy nghĩ tiêu cực về hiện tại và tương lai.
– Khó chịu, dễ gắt gỏng, nổi cáu vô cớ.
– Ngủ không sâu giấc, khó ngủ hoặc ngủ li bì, thường xuyên gặp ác mộng.
– Thèm ăn, ăn quá nhiều hoặc chán ăn, không thiết ăn uống. Thay đổi trong sở thích ăn uống, khẩu vị.
– Cân năng tăng hoặc giảm nhanh.
– Không có ham muốn “yêu” đối với bạn đời.
– Có cảm giác tội lỗi, thấy bản thân vô dụng, bất lực, thất bại.
– Mang trong lòng một nỗi buồn không tên đeo đẳng.
– Cảm thấy trống rỗng, chán ngán cuộc sống, không tìm thấy chút hứng thú nào với mọi thứ xung quanh, không muốn gần gũi ngay cả với người thân, những hoạt động mà mẹ bầu từng yêu thích cũng trở nên vô nghĩa, không đáng quan tâm.
– Có ý nghĩ về cái chết, ý muốn tự vẫn để giải thoát khỏi thực tại.
– Thường xuyên sử dụng rượu, bia, thuốc lá, ma tuý… để giải sầu.
Phòng tránh trầm cảm khi mang thai
Phụ nữ mang thai thường rất tất bật chu toàn mọi thứ để chuẩn bị đón bé yêu ra đời, nhưng hãy đơn giản hoá mọi vấn đề, quẳng gánh lo hoàn thành mọi việc mà ưu tiên chăm sóc cho bản thân, nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn.
Mẹ bầu nên thường xuyên trò chuyện, trao đổi, chia sẻ cảm xúc với bạn đời, người thân trong gia đình và bạn bè. Khi có bất kỳ triệu chứng nào của hội chứng trầm cảm khi mang thai, mẹ bầu cần ngay lập tức nhờ cậy đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của người thân, bạn bè và các chuyên gia sản khoa, nội khoa, tâm thần, tâm lý.
Để phòng tránh trầm cảm khi mang thai, mẹ bầu cần duy trì lối sống khoa học. Theo đó, cần thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh, chăm sóc giấc ngủ tốt, ăn sô cô la đen giúp đánh bay muộn phiền, luyện tập yoga cũng như thường xuyên tập thể dục, vận động cho cơ thể khoẻ khoắn, tinh thần sảng khoái.
Điều trị trầm cảm khi mang thai
Trầm cảm khi mang thai có thể điều trị dứt điểm. Rất nhiều thai phụ đã vượt qua trầm cảm để sinh ra những em bé khoẻ mạnh, thông minh. Lưu ý, tránh để tình trạng trầm cảm của mẹ bầu diễn biến nặng vì sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Để điều trị trầm cảm khi mang thai, mẹ bầu cần thực hiện những điều sau:
– Đừng tự giam mình ở nhà với những bức tường, thay vào đó, mẹ bầu cần nghỉ ngơi, thư giãn ngoài trời như đi dạo, đi xem phim, đi du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc da, chăm sóc sắc đẹp…
– Tránh lao động quá sức và làm việc căng thẳng.
– Không ngủ muộn hay thức khuya.
– Dậy sớm để cơ thể sảng khoái và khoẻ mạnh.
– Ăn uống đầy đủ, đúng giờ, không bỏ bữa (đặc biệt là bữa sáng).
– Xây dựng thực đơn dinh dưỡng đa dạng, phong phú, khoa học, hợp lý.
– Thường xuyên tập thể dục, thể thao giúp tăng cường sức khoẻ, nâng cao sức đề kháng.
– Năng gặp gỡ, giao tiếp thật nhiều với người thân, bạn bè. Tránh để bản thân một mình đối diện với sự cô đơn.
– Ưu tiên những việc mẹ bầu yêu thích, đừng gò ép bản thân làm những việc mà bạn không mong muốn.
– Khám thai định kỳ đầy đủ, đúng lịch.
– Tìm sự trợ giúp của người thân, bạn bè, chuyên gia hoặc nhóm hỗ trợ trực tuyến nếu bản thân có những biểu hiện căng thẳng, trầm cảm.
Các phương pháp điều trị trầm cảm khi mang thai hiện nay hầu hết đều sử dụng liệu pháp tâm lý (liệu pháp cá nhân và liệu pháp nhận thức – hành vi), liệu pháp ánh sáng, thiền, châm cứu thay vì sử dụng thuốc.
Thuốc điều trị trầm cảm có thể được sử dụng để chữa trầm cảm khi mang thai. Tuy nhiên, chúng phải được sử dụng hết sức thận trọng, đúng, đủ liều lượng dựa theo mức độ trầm cảm dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Chị em không được tự ý sử dụng thuốc hoặc ngưng thuốc đột ngột sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
- Đăng kí lớp học tiền sản
- Đăng ký thai sản - sinh con