Sữa là một thức uống có nhiều chất dinh dưỡng mà các mẹ bầu thường được khuyên cần bổ sung trong thai kỳ để mẹ khỏe và con phát triển tốt. Sữa tốt là thế nhưng không phải ai cũng thích hợp để uống, đặc biệt là những mẹ có tình trạng sức khỏe như trong trường hợp dưới đây.
Trong sữa có chất canxi giúp mẹ bầu ngăn ngừa được đau lưng, chuột rút, có chưa axit folic để bé khỏe và ngừa được dị tật ống thần kinh, omega 3 cần thiết cho sự phát triển và hình thành của bé. Trong suốt 9 tháng thai kỳ, sữa bầu bổ sung đủ nền tảng sức khỏe cho sự chào đời của bé. Tuy nhiên nếu mẹ bầu gặp phải tình trạng sức khỏe như thiếu sắt hay trào ngược thực quản hay loét đường tiêu hóa thì nên chọn bổ sung thêm các chất dinh dưỡng từ thực phẩm hoặc thuốc được bác sĩ chỉ định thay vì uống sữa nhé.
Mẹ bầu có thể chọn uống sữa đậu nành thay vì sữa bầu
Mẹ bầu thiếu máu do thiếu sắt
Khi cơ thể mẹ không đủ lượng sắt cần thiết dẫn đến thiếu máu thì mẹ bầu cần uống viên sắt hoặc bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt thay vì uống sữa.
Vì nếu uống song song viên sắt và sữa bầu thì lượng dưỡng chất canxi có trong sữa cũng như thành phần sắt sẽ kết hợp với nhau tạo thành muối không hòa tan, khiến cơ thể không thể hấp thụ sắt, tình trạng thiếu máu không những không được cải thiện mà còn có xu hướng nghiêm trọng hơn.
Thay vào đó mẹ bầu có thể bổ sung sắt trong thực phẩm từ các loại thịt đỏ, rau chân vịt, bông cải xanh, các loại đậu và động vật thân mềm.
Mẹ bầu bị loét đường tiêu hóa
Uống sữa thường xuyên sẽ làm kích thích tiết acid dạ dày nhiều hơn và sẽ làm tình trạng loét đường tiêu hóa của mẹ bầu trở nên nặng hơn.
Tuy nhiên, không có nghĩa là mẹ bầu gặp vấn đề về dạ dày thì không thể uống sữa mà nên điều chỉnh ở mức độ vừa phải. Mỗi ngày mẹ bầu nên uống từ 300-400ml sữa là vừa đủ để không thấy khó chịu, chướng bụng do loét dạ dày gây nên.
Mẹ bầu bị viêm thực quản trào ngược
Khi mẹ bầu bị trào ngược dạ dày với những chứng bệnh như thường xuyên bị ợ nóng, ợ hơi, bụng đầy khó chịu, khiến cho việc ăn uống mất ngon và thai nhi bị thiếu hụt dinh dưỡng.
Tuy nhiên các mẹ đừng vì không ngon miệng, không thể ăn nhiều mà vội uống nhiều sữa để bổ sung năng lượng và dinh dưỡng nhé, vì chất béo trong sữa có thể dẫn đến việc áp lực cơ thắt thực quản thấp hơn áp lực co bóp của dạ dày, khiến chứng viêm thực quản trào ngược chuyển biến nặng hơn. Không tốt chút nào với tình trạng chán ăn của mẹ bầu đâu.
Thay vào đó mẹ bầu nên đi bộ nhẹ nhàng để tăng cường hoạt động tiêu hóa thức ăn, giảm thiểu nguy cơ sản sinh acid trong dạ dày. Ăn chậm rãi và nhai kỹ cũng là cách tốt nhất để không khí không chiếm hữu diện tích bên trong dạ dày, cảm giác trào ngược sẽ giảm đi và mẹ bầu sẽ ăn được ngon miệng hơn.
Mẹ bầu bị thiếu acid phân giải đường lactose
Trong sữa có chứa một hàm lượng lớn đường lactose, và chất này cần một loại acid lactase để có thể hấp thụ đường lactose. Nếu cơ thể mẹ thiếu hụt lactase hoặc hấp thụ kém lactose sẽ làm lượng lactose bổ sung cho cơ thể không được tiêu hóa. Khi đó, chúng sẽ chuyển qua đại tràng, vi khuẩn ở đây sẽ phân hủy lượng lactose này và chuyển sang một dạng chất lưu và hơi. Mẹ bầu trong trường hợp này sẽ dễ bị đầy hơi, đau bụng hoặc tiêu chảy.
Mẹ bầu bị viêm túi mật và viêm tuyến tụy
Trong sữa có nhiều chất béo và cơ thể cần có enzyme lipase được túi mật và tuyến tụy tiết ra để tiêu hóa và hấp thụ lượng chất béo này. Vì thế trong thai kỳ, mẹ bầu bị viêm túi mật và viêm tuyến tụy không nên uống sữa thường xuyên. Một khi chất béo dung nạp vào cơ thể quá nhiều sẽ gây áp lực lên túi mật và tuyến tụy, từ đó làm tình trạng của mẹ sẽ xấu hơn.
Nên bổ sung chất dinh dưỡng thay thế sữa bầu như thế nào?
Nguồn dinh dưỡng từ khẩu phần ăn hàng ngày cũng đủ để thay thế việc uống sữa bầu
Theo các bác sĩ, có thể chọn các loại thực phẩm có đủ các vitamin A, D, canxi, acid folic và khoáng chất cho mẹ và bé thay cho lượng dinh dưỡng có trong sữa bầu. Một số gợi ý như sau:
- Sữa chua: tốt cho hệ tiêu hóa, giúp mẹ phòng tránh được táo bón, thừa cân trong suốt thai kỳ.
- Sữa đậu nành: trong sữa đậu nành có nhiều canxi cần thiết để hỗ trợ phát triển xương thai nhi.
- Hải sản: trong hải sản như tôm, cá, ngao… có chưa canxi, omega 3.
- Để bổ sung acid folic mẹ bầu nên ăn thêm: các loại hạt, rau có màu xanh đậm, măng tây, bơ, trái cây họ cam quýt…
- Vitamin D có trong: lòng đỏ trứng, nấm, tôm, hàu, cá hồi và dầu gan cá.
Các mẹ bầu đừng quá lo lắng khi không thể uống sữa bầu và sợ bé sẽ thiếu dinh dưỡng nhé, hãy bổ sung các chất dinh dưỡng còn thiếu trong khẩu phần ăn hàng ngày với nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo. Quan trọng hơn, các mẹ hãy giữ một tâm trạng thoải mái, vui vẻ để giai đoạn thai kỳ sẽ là khoảng thời gian đầy ý nghĩa và đáng nhớ nhé các mẹ.
- Đăng kí lớp học tiền sản
- Đăng ký thai sản - sinh con