Chín tháng mang thai là chuỗi ngày mẹ bầu sẽ gặp phải nhiều sự thay đổi về cơ thể từ sự mệt mỏi do thai nghén cho đến những cơn đau nhức vô cùng khó chịu. Nhưng cơn đau đó là gì, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những thông tin cần thiết để có cách đối phó với chúng thật an toàn.
Điểm quan trọng là mẹ bầu cần xác định cơn đau đó như thế nào? Có liên quan tới các triệu chứng của tiền sản giật hay chuyển dạ trước khi sinh không? Vì những cơn đau nhức bình thường là do những bên trong cơ thể cũng như sự tăng trọng lượng cơ thể gây ra nên nó thường không quá đáng lo ngại.
Đau bụng
Có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai bị đau bụng như đầy hơi, ợ nóng; do trứng bắt đầu làm tổ trong tử cung hay do sự kéo giãn của dây chằng tròn hỗ trợ tử cung; hiện tượng chuyển dạ giả hay cơn gò Braxton-Hicks, một cơn đau xảy ra vào tháng thứ 8… Bình thường thai nhi nằm trong tử cung của mẹ để tăng trưởng, thai nhi của mẹ ngày càng lớn dần, đồng nghĩa với việc tử cung của mẹ cũng phải to lên để kịp cho thai nhi phát triển, kéo theo 2 dây chằng tròn 2 bên căng và lớn ra (chức năng của dây chằng tròn là cố định và giữ vững tử cung). Khi người mẹ vận động nhiều, di chuyển thường xuyên sẽ kéo theo dây chằng căng nhiều hơn và dãn và gây nên những cơn đau bụng.
Cách xử lý
Nếu đau bụng khi mang thai vì những nguyên do đơn giản như trên, mẹ bầu có thể giảm bớt cơn đau bằng cách tránh cử động mạnh vùng thắt lưng. Khi cảm thấy đau, hãy cúi người về bên bị đau để làm dịu cơn đau, uống càng nhiều nước càng tốt, tập vài động tác giãn cơ nhẹ nhàng hay đi bộ xung quanh để giúp giải phóng khí tích tụ trong dạ dày.
Nên tới gặp bác sĩ khi…
Nếu thấy cơn đau kéo dài, dù có thể có hoặc không thấy chảy máu âm đạo hay huyết trắng thì bạn vẫn nên đến gặp bác sĩ sản khoa để được thăm khám càng sớm càng tốt.
Đau lưng
Phụ nữ mang thai thường bị đau lưng ở vùng thắt lưng và vùng xương chậu phía sau. Việc này là do dây thần kinh bị chèn ép, thay đổi nội tiết tố khiến các dây chằng bị giãn căng hay do các cơ bị tách ra do sự mở rộng của tử cung. Việc tăng cân, đứng hoặc ngồi quá lâu hoặc sai tư thế cũng khiến cho mẹ bầu bị đau lưng.
Cách xử lý
Các mẹ cần điều chỉnh tư thế phù hợp khi ngồi hay đứng và hãy tập các bài tập dành cho từng giai đoạn của thai kỳ. Áp dụng cách chườm nóng hoặc lạnh lên khu vực bị đau cũng là cách giúp các mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn. Nếu cảm giác đau không hết và bị nặng hơn thì phương pháp châm cứu cũng là một cách hiểu quả để giúp giảm đau lưng.
Nên gặp bác sĩ khi…
Nếu đau lưng kèm với sốt cao, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Khi cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn hoặc đau dữ dội đến mức khiến các mẹ bầu khó đi vệ sinh được, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Chuột rút ở chân
Hiện tượng của chuột rút là sự co thắt cơ đột ngột, gây đau dữ dội ở một bắp thịt, làm cho người bị không tiếp tục cử động được. Đối với mẹ bầu, đây có thể là do đang trong tình trạng thiếu canxi, cần lưu ý. Ngoài ra có thể do khi bụng mẹ ngày càng to thì áp lực tác động tới chân và tay cũng tăng, đặc biệt trong những tháng cuối hiện tượng này càng xảy ra thường xuyên hơn.
Cách xử lý
Để tránh bị chuột rút, các mẹ hãy có gắng nhờ chồng hoặc tự mát xa cho vùng bắp chân và bàn chân của mình trước khi đi ngủ và nên để chân gác hơi cao một chút. Khi thức dậy, các mẹ nên nằm nghiêng, từ từ coi hai chân lên rồi vặn mình ngồi dậy, di chuyển người ra mép giường và đứng thẳng. Việc nằm xuống và ngồi dậy của mẹ cần phải từ từ để không gây đau nhức đột ngột.
Khi bị chuột rút, các mẹ hãy đứng dậy và cố gắng duỗi chân ra từ từ hoặc nhờ người khác trợ giúp. Sau đó, cố gắng di chuyển chân và bàn chân trong khi tay vịn vào một điểm tựa nào đó. Ngoài ra, nên bổ sung thêm magiê từ khẩu phần ăn hàng ngày để giảm nguy cơ bị chuột rút thay vì dùng các thực phẩm chức năng.
Nên gặp bác sĩ khi…
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu tình trạng chuột rút diễn ra thường xuyên và mỗi lần bị đều gây ra cảm giác vô cùng đau đớn.
Đau dây thần kinh tọa
Để giúp xương chậu sẵn sàng cho quá trình sinh nở, cơ thể bắt đầu tiết ra hormone relaxin. Kết quả là dây chằng giãn ra và dây thần kinh tọa bị chèn ép ở giữa. Khi đó, mẹ bầu có thể cảm nhận những cơn đau nhói lan xuống mông và mặt sau của chân. Thường triệu chứng của thần kinh tọa diễn ra trong 3 tháng cuối thai kỳ khi cả mẹ và bé đều có sự tăng lên về cân nặng và kích thước.
Cách xử lý
Mát xa, tắm bằng nước ấm hoặc sử dụng những miếng sưởi ấm và đặt lên khu vực bị đau là cách để giúp giảm đau dây thần kinh tọa. Ngoài ra, việc bơi lội cũng có thể giúp bạn giảm bớt các cơn đau thần kinh tọa trong thai kỳ.
Nên gặp bác sĩ khi…
Ngay khi bạn cảm thấy cơn đau lan xuống mông và mặt sau chân, hãy tới khám bác sĩ ngay lập tức.
Đau xương sườn
Tình trạng này thường xảy ra trong ba tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, đó có thể là tín hiệu tốt vì cơn đau có thể do thai nhi phát triển ngày càng lớn và tác động lên xương sườn khi cử động.
Cách xử lý
Mẹ sẽ cảm thấy bớt đau hơn sau tuần thứ 36 của thai kỳ, khi tử cung và thai đã hơi di chuyển xuống dưới. Tuy nhiên, trước khi đến lúc đó, bạn nên giảm đau bằng cách mặc quần áo rộng, duy trì những tư thế đúng, sử dụng gối khi ngủ, đi bộ, tập yoga và tắm với nước ấm.
Nên gặp bác sĩ khi…
Nếu mẹ cảm thấy cơn đau xương sườn ngày một tệ hơn, hãy đến gặp bác sĩ và yêu cầu sử dụng thuốc giảm đau nếu cần thiết.
Đau ngực
Khi mang thai, do thay đổi nội tiết tố khiến các mô xung quanh đầu ngực sẽ dày đặc và sầm sùi hơn bình thường. Điều này khiến ngực cảm thấy đau, căng tức, các vùng gai gạo xung quanh đầu ngực hiện rõ và sắc tố da thâm hơn. Cơn đau xuất hiện vào tam cá nguyệt thứ ba cũng là vì các tuyến sữa đang chuẩn bị để có thể sản xuất sữa mẹ.
Cách xử lý
Đây là một hiện tượng bình thường và không có cách nào giúp cơn đau biến mất hoàn toàn. Để giảm nhẹ, mẹ bầu có thể mặc áo ngực chuyên dùng cho mẹ bầu và mát xa nhẹ nhàng bầu ngực khi tắm.
Nên gặp bác sĩ khi…
Nếu bạn cảm thấy đau vú dữ dội kèm theo phát ban hoặc xuất hiện vết đỏ trên da, hãy đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể.
Hầu như mọi cơn đau nhức trong thai kỳ đều là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần biết những dấu hiệu bất thường cần can thiệp y tế để không có gì đáng tiếc xảy ra. Và các đấng ông chồng hãy cùng người vợ thân yêu của mình vượt qua những cơn đau, sự vất vả để chào đón một thành viên mới của gia đình nhé.
- Đăng kí lớp học tiền sản
- Đăng ký thai sản - sinh con