Bên cạnh da kề da (hay phương pháp Kangaroo), cắt dây rốn chậm đang là phương pháp được các bác sĩ sản khoa và nhiều bà mẹ trên toàn thế giới lựa chọn vì những lợi ích không ngờ của nó đối với trẻ sơ sinh. Vậy cắt dây rốn chậm có thể mang lại những lợi ích gì cho trẻ sơ sinh? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.
Những lợi lích của kẹp dây rốn chậm đối với trẻ sơ sinh
Khi em bé còn ở trong bụng mẹ, dây rốn là con đường để bé nhận được thức ăn, dinh dưỡng để yên ổn lớn lên. Khi em bé chào đời, dây rốn không còn cần thiết nữa nên sẽ bị kẹp lại và cắt đi.
Trước đây, bác sĩ thường cắt dây rốn cho trẻ ngay sau khi em bé lọt lòng mẹ. Thế nhưng, hiện nay, phương thức này đang có nhiều thay đổi, khi các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc cắt dây rốn chậm một chút có thể mang lại nhiều lợi ích không ngờ đối với trẻ sơ sinh.
Cụ thể, từ năm 2012, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo nên kẹp rốn chậm (ít nhất là 1 phút sau sinh) để cải thiện sức khỏe của cả mẹ và bé. Kẹp rốn sớm (dưới 1 phút sau sinh) không được khuyến cáo trừ khi trẻ sơ sinh ngạt và cần di chuyển ngay để hồi sức.
Sau đây là những lợi ích mà trẻ sơ sinh có thể có khi được cắt dây rốn chậm:
Được cung cấp thêm máu và sắt
Thực tế, sau khi trẻ lọt lòng mẹ, 1/3 lượng máu vẫn nằm ở nhau thai. Do đó, kẹp dây rốn chậm giúp cho lượng máu này tiếp tục được truyền sang trẻ. Các nghiên cứu chỉ ra, trong phút đầu tiên sau sinh, lượng máu truyền từ bánh rau sang trẻ sơ sinh khoảng 80ml và có thể lên 100ml trong 3 phút sau sinh.
Không chỉ vậy, nhận thêm máu từ nhau thai cũng sẽ giúp cung cấp đủ chất sắt cho em bé. Theo một nghiên cứu, kẹp dây rốn muộn 2 phút sẽ làm tăng lượng sắt từ 27 – 47mg. Lượng sắt tiếp nhận thêm này cùng với sắt có trong cơ thể sẽ làm giảm nguy cơ thiếu máu trong 6 tháng đầu đời.
Tăng tế bào gốc
Các nhà khoa học người Thuỵ điển đã từng chỉ ra, việc cắt dây rốn chậm giúp cho trẻ có cơ hội nhận đủ tế bào gốc tự nhiên từ mẹ truyền sang con. Tế bào gốc rất cần thiết cho các chức năng cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hệ miễn dịch, tim mạch, thần kinh trung ương và hô hấp.
Tăng nguồn oxy cho trẻ
Dây rốn chính là nguồn cung cấp oxy từ mẹ cho bé. Nhận được lượng oxy từ mẹ là cực kỳ quan trong cho bé, đặc biệt là đối với các bé cần có sự hỗ trợ trong việc thở. Do đó, cắt dây rốn chậm 1-3 phút sau sinh giúp trẻ có một thời gian ngắn để có phản xạ thở.
Kích thích sự phát triển của não bộ
Một nhà khoa học Mỹ đã nhận định rằng một đứa trẻ chậm cắt dây rốn khoảng 3 phút sẽ có điểm số IQ cao hơn so với trẻ bình thường. Nhận định này rất có cơ sở khi cắt dây rốn chậm giúp trẻ được cung cấp đủ lượng sắt, lượng máu và tế bào gốc ngay từ những năm tháng đầu đời. Điều này sẽ giúp trẻ có một hệ thần kinh phát triển khỏe mạnh, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các tế bào não khi bé lớn lên.
Tốt hơn với trẻ sinh non
Một nghiên cứu của Mercer và CS đăng trên tạp chí Pediatr ( 2016) chỉ ra rằng, đối với trẻ sinh non dưới 32 tuần, cắt dây rốn chậm có thể giúp giảm thiểu nguy cơ thiếu máu và cải thiện khả năng vận động. Ngoài ra, kẹp cắt dây rốn chậm còn giúp bé tránh khỏi chứng xuất huyết não và viêm ruột thường gặp ở các trẻ sinh non.
Những rủi ro có thể gặp khi cắt dây rốn chậm
Bên cạnh những lợi ích, cũng có một số nghiên cứu chỉ ra việc trì hoãn cắt dây rốn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như vàng da, đa hồng cầu và suy hô hấp ở trẻ sơ sinh. Song những vấn đề này dường như vô hại, bởi lợi ích của kẹp dây rốn muộn lớn hơn nhiều so với rủi ro.
Dù cắt dây rốn chậm mang lại vô vàn lợi ích cho trẻ sơ sinh, song các bác sĩ cũng chỉ ra rằng, chỉ nên lùi thời gian kẹp dây rốn cho trẻ khoảng 1-3 phút và tối đa là 5 phút. Bên cạnh đó, các bác sĩ sản khoa cũng nên căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định có nên cắt dây rốn chậm cho bé hay không.
Ngoài ra, bác sĩ cũng lưu ý một số trường không nên cắt dây rốn muộn:
- Sản phụ có vấn đề về nhau thai, hoặc bong nhau thai;
- Sản phụ bị tiền sản giật hoặc thiếu máu;
- Sản phụ đang bị băng huyết;
- Thai nhi bị dị tật hoặc thiếu máu.
- Đăng kí lớp học tiền sản
- Đăng ký thai sản - sinh con